icon icon icon
Hotline: 0944 142 492

VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU – MỐI NGUY HẠI KHÓ LƯỜNG

Viêm đường tiết niệu là tình trạng viêm nhiễm xảy ra tại đường tiết niệu do vi khuẩn. Cụ thể, khi vi khuẩn xâm nhập vào bàng quang hay thận, sinh sôi nảy nở ở các cơ quan này, chúng có thể gây nhiễm khuẩn nước tiểu và cuối cùng là ảnh hưởng nghiêm trọng tới từng cơ quan của hệ tiết niệu.

Nhiễm khuẩn đường tiết niệu là căn bệnh thường gặp ở phụ nữ. Bất kỳ bộ phận nào trong hệ tiết niệu đều có nguy cơ bị nhiễm khuẩn, từ thận, niệu quản tới bàng quang và niệu đạo. Căn bệnh này có thể ảnh hưởng tới khả năng sinh sản và gây ra những biến chứng nghiêm trọng cho người bệnh.

DẤU HIỆU VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Tiểu buốt: Cảm giác rát, buốt, nóng rát khi tiểu tiện khiến người bệnh khó chịu

Tiểu rắt: Bình thường, chúng ta đi tiểu khoảng 5-8 lần trong ngày, trong đó có 1 lần vào ban đêm nhưng người bị viêm đường tiết niệu có thể tiểu tiện số lần nhiều hơn, có thể lên đến 10-20 lần trong ngày, lượng nước tiểu mỗi lần ra là rất ít.

Màu nước tiểu bất thường: đối với nữ giới thì nước tiểu đục và có mùi khai nồng, trường hợp nghiêm trọng thì có thể tiểu ra máu. Đối với nam giới thì khi tiểu ra máu thì nước tiểu chuyển sang màu nâu hoặc đỏ vì vi khuẩn làm tổn thương hệ tiết niệu của nam giới gây xuất huyết niêm mạc.

Đau vùng bụng dưới và đau thắt lưng: Nếu nhiễm trùng bàng quang lan đến niệu quản thì chị em sẽ thấy đau vùng bụng dưới, lan đến thận có thể khiến chị em đau thắt lưng.

Đau hông lưng, khó chịu vùng hạ vị: Viêm đường tiết niệu một khi lan đến tuyến tiền liệt hoặc gây ra viêm bể thận thì sẽ khiến cho bệnh nhân đau hông hoặc lưng.

Bất thường khi quan hệ tình dục: Do đường niệu đạo của nam giới cũng đồng thời là đường sinh dục nên khi viêm đường tiết niệu phát sinh sẽ ảnh hưởng đến quan hệ tình dục. Bạn nam sẽ cảm thấy đau và giảm khoái cảm khi quan hệ tình dục, đau khi xuất tinh, thậm chí là xuất tinh ra máu.

Sốt cao, buồn nôn… là phản ứng sinh lý của cơ thể khi một bộ phận nào đó xuất hiện nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây bệnh viêm đường tiết niệu

Nguyên nhân phổ biến nhất là do vi khuẩn Escherichia coli (E.coli) được tìm thấy ở trong ruột, dù bệnh vẫn có thể gây ra do một số loại vi khuẩn khác. Khuẩn E.coli khi ở trên da hoặc gần hậu môn có thể vào trong đường tiết niệu và di chuyển lên trên các bộ phận khác. Ở phụ nữ, vì đường tiểu và hậu môn gần nhau hơn ở nam, nên nguy cơ nhiễm bệnh sẽ cao hơn.

Các vi khuẩn khác cũng có thể gây viêm cho đường tiết niệu bao gồm: Proteus mirabilis, Enterobacter, Citrobacter, Klebsiella, Chlamydia, lậu cầu,...

Ngoài nhiễm trùng, vẫn có một số các nguyên nhân khác có thể khiến cho đường tiết niệu bị viêm bao gồm:

  • Một số loại thuốc, đặc biệt là các loại thuốc hóa trị như cyclophosphamide và ifosfamide;
  • Xạ trị ở khu vực xương chậu;
  • Đặt ống thông cơ thể trong một thời gian dài;
  • Chất hóa học: một số chất hóa học trong các sản phẩm như xà phòng tạo bọt, thuốc xịt vệ sinh phụ nữ… có thể gây dị ứng ở một số người. Tình trạng dị ứng này có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu;
  • Do biến chứng của một số bệnh khác như tiểu đường, sỏi thận, u xơ tuyến tiền liệt …
  • Do quan hệ tình dục không an toàn: Quan hệ tình dục với người đã nhiễm khuẩn hệ tiết niệu có thể là nguyên nhân dẫn đến bệnh viêm đường tiết niệu. Đôi khi, nếu không vệ sinh cá nhân sạch sẽ trước khi quan hệ tình dục thì vi khuẩn tồn tại ở môi trường ngoài bộ phận sinh dục sẽ bị đẩy lên bàng quang trong quá trình cọ sát khi giao hợp, gây ra viêm đường tiết niệu.
  • Vệ sinh hàng ngày sai cách: Chị em rất dễ bị viêm đường tiết niệu nếu vệ sinh sai cách. Nhiều chị em có thói quen lau chùi vùng kín từ sau ra trước trong quá trình tiểu tiện hoặc đại tiện, khiến vi khuẩn từ hậu môn rất dễ lây lan vào vùng kín, gây ra viêm đường tiết niệu ở nữ giới.
  • Thói quen nhịn tiểu tiện: Nhịn tiểu sẽ khiến cho nước tiểu ngưng đọng lâu ngày tại bàng quang, vi khuẩn trong nước tiểu sẽ có thời gian phát triển nhân lên, gây ra viêm đường tiết niệu.

Trên thực tế, khi các vi khuẩn này xâm nhập vào hệ tiết niệu thì chúng chưa có khả năng gây bệnh ngay. Môi trường nước tiểu vốn là môi trường thuận lợi cho sự sinh sôi và phát triển của các vi khuẩn có hại, chúng phát triển đến một số lượng nhất định nào đó thì mới gây viêm đường tiết niệu.

TÁC HẠI CỦA VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Nhiễm trùng đường tiết niệu thông thường có thể điều trị khỏi mà không gây ra biến chứng gì.

Trái lại, nhiễm trùng tái phát hoặc nhiễm trùng xảy ra ở những bệnh nhân có những yếu tố thuận lợi trước đó sẽ đe dọa nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa đến tính mạng:

Khi vi khuẩn xâm nhập lên thận, phá hủy chủ mô thận, làm hoại tử nhú thận và suy giảm chức năng thận, có thể dẫn đến suy thận hoặc phải cắt bỏ thận.

Ngoài ra, vi khuẩn ở hệ niệu cũng có thể xâm nhập vào máu, gây ra nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Viêm đường tiết niệu ở nam có thể gây ra các biến chứng sau: Apxe tuyến tiền liệt, viêm tinh hoàn, viêm mào tinh, tắc ống dẫn tinh.

Viêm đường tiết niệu ở phụ nữ có thai thể làm nhiễm trùng ối, nhiễm trùng bào thai, gia tăng nguy cơ sinh non…

PHÒNG NGỪA VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU Ở NAM VÀ NỮ GIỚI

Để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh nhân có thể tham khảo một số thông tin sau:

Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, hàng ngày đặc biệt là vệ sinh trước và sau khi quan hệ tình dục, đi tiểu trước và sau khi giao hợp.

Chị em chú ý vệ sinh từ sau ra trước, tránh để vi khuẩn ở hậu môn xâm nhập vào âm đạo. Bảo đảm vệ sinh trong kỳ kinh nguyệt, thay băng vệ sinh hàng ngày mỗi 4 tiếng/lần, vệ sinh ngày hai lần mỗi sáng, tối.

Uống nhiều nước để đường tiết niệu thường xuyên được thanh lọc, ngăn chặn các vi khuẩn có hại phát triển gây ra viêm nhiễm. Đồng thời, tăng cường ăn các loại hoa quả, trái cây chứa nhiều vitamin C để tăng tính axit, tiêu diệt vi khuẩn bàng quang.

Không nhịn tiểu vì có thể khiến cho vi khuẩn trong nước tiểu phát triển, gây ra viêm nhiễm bàng quang. Đồng thời, bàng quang lúc nào cũng đầy nước tiểu dễ bị trương cơ, dẫn đến rối loạn co thắt, làm suy giảm chức năng bàng quang.

Phát hiện và điều trị các bệnh có thể làm gia tăng nguy cơ viêm đường tiết niệu như sỏi đường tiết niệu hoặc phì đại tuyến tiền liệt.

Hạn chế mặc quần lót chật, nóng, gây ẩm ướt, bí bách cho bộ phận sinh dục, dễ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát sinh, gia tăng nguy cơ viêm nhiễm.

CÁCH ĐIỀU TRỊ VIÊM ĐƯỜNG TIẾT NIỆU

Viêm đường tiết niệu chủ yếu do vi khuẩn gây ra, được chữa bằng kháng sinh đặc trị. Bệnh nhân cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để bác sĩ thăm khám, kiểm tra và có phác đồ điều trị viêm đường tiết niệu phù hợp.

Bệnh nhân thường sẽ dùng kháng sinh trong 3-10 ngày. Bạn cần uống nhiều nước để giúp rửa trôi đường tiểu. Ngoài ra, uống nước ép trái cây cũng như vitamin C để làm tăng axit trong nước tiểu có thể hữu ích và nên tránh các đồ uống có cồn hoặc caffeine. Bác sĩ sẽ kê thuốc phenazopyridine để giảm đau khi tiểu. Loại thuốc này sẽ làm đổi màu nước tiểu. Các thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen cũng được dùng nếu cần. Bệnh nhân có thể ngồi ngâm trong nước ấm để làm dịu cơn khó chịu. Hãy nghỉ ngơi đầy đủ cho đến khi hết sốt và đau.

* Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: