icon icon icon
Hotline: 0944 142 492

THOÁI HÓA KHỚP: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH PHÒNG NGỪA

Thoái hóa khớp là bệnh lý phổ biến thường xảy ra ở người cao tuổi, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể ảnh hưởng đến sinh hoạt, thậm chí gây tàn phế suốt đời.

THOÁI HÓA KHỚP LÀ GÌ

Thoái hóa khớp là bệnh khớp mạn tính có đặc điểm là nứt vỡ và mất sụn khớp cùng với những thay đổi khác của khớp, bao gồm phì đại xương (hình thành gai xương). Triệu chứng bao gồm đau xuất hiện dần dần, tăng hoặc khởi phát sau vận động, cứng khớp kéo dài < 30 phút sau khi thức dậy và sau khi không hoạt động, và thỉnh thoảng có sưng khớp.

DẤU HIỆU THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hoá khớp thường bắt đầu từ từ, thường bắt đầu với một hoặc vài khớp. Đau khớp là triệu chứng sớm nhất của thoái hoá khớp, đôi khi được mô tả là đau sâu. Đau thường tăng lên ở những tư thế chịu trọng lực và giảm khi nghỉ ngơi nhưng cuối cùng có thể đau liên tục. Cứng khớp sau khi ngủ dậy hoặc không hoạt động nhưng kéo dài < 30 phút và giảm đi khi vận động. Khi thoái hoá khớp tiến triển, vận động khớp sẽ trở nên hạn chế, xuất hiện đau và cảm giác lục khục, lạo xạo. Sự tăng sinh của sụn, xương, dây chằng, gân, bao khớp, và màng hoạt dịch, cùng với tràn dịch khớp với các mức độ khác nhau, cuối cùng sẽ gây ra tình trạng sưng khớp trong thoái hoá khớp. Có thể xuất hiện co cứng ở tư thế gấp ở giai đoạn muộn. Viêm màng hoạt dịch cấp và nặng là không phổ biến.

Đau khi sờ và đau khi vận động thụ động là những dấu hiệu tương đối muộn. Co cứng cơ và co rút làm đau tăng. Chèn ép cơ học bởi dị vật nội khớp hoặc mảnh sụn chêm bất thường vị trí có thể gây kẹt khớp. Sự biến dạng và các lỏng lẻo cũng có thể xuất hiện.

PHÂN LOẠI THOÁI HÓA KHỚP

Thoái hóa cột sống cổ và cột sống thắt lưng có thể dẫn đến bệnh lý tủy hoặc rễ thần kinh. Tuy nhiên, các dấu hiệu lâm sàng của tổn thương tủy sống thường nhẹ. Hẹp ống sống thắt lưng có thể gây đau lưng hoặc đau chân tăng lên khi đi bộ (đau cách hồi thần kinh, đôi khi được gọi là giả đau cách hồi) hoặc khi ưỡn lưng. Bệnh lý rễ thần kinh có thể nổi trội hơn nhưng ít phổ biến hơn vì rễ thần kinh và hạch được bảo vệ tốt. Thỉnh thoảng có thể xảy ra thiếu máu động mạch đốt sống, nhồi máu tủy sống và khó nuốt do chèn ép thức quản bởi gai xương cột sống cổ. Nói chung, các triệu chứng cơ năng và thực thể do thoái hóa khớp có thể do bao gồm tổn thương xương dưới sụn, các cấu trúc dây chằng, màng hoạt dịch, nang thanh dịch cạnh khớp, bao khớp, cơ, gân, đĩa và màng xương, dẫn đến tình trạng đau. Áp lực tĩnh mạch có thể tăng trong tủy xương dưới sụn và gây đau (đôi khi được gọi là đau xương do thiếu máu).

Thoái hóa khớp háng gây hạn chế vận động dần dần và thường có triệu chứng trong các hoạt động chịu lực. Có thể đau ở vùng bẹn hoặc mấu chuyển lớn hoặc lan tới đùi và đầu gối.

Thoái hóa khớp gối gây mất sụn (mất sụn ở khoang trong gặp ở 70% trường hợp). Các dây chằng lỏng lẻo và khớp trở nên mất vững, với đau do tổn thương dây chằng và gân.

Thoái hóa khớp bào mòn gây ra viêm màng hoạt dịch và kén hoạt dịch ở bàn tay. Chủ yếu ảnh hưởng đến các khớp ngón gần hoặc xa. Khớp bàn ngón cái bị ảnh hưởng tới 20% thoái hóa khớp bàn tay, nhưng khớp và cổ tay và các khớp bàn ngón khác thường không bị. Vào thời điểm này, không rõ liệu thoái hóa khớp đốt ngón có bào mòn là một biến thể của thoái hóa khớp bàn tay hay là một bệnh riêng biệt.

CÁC YẾU TỐ GIA TĂNG TỈ LỆ MẮC BỆNH THOÁI HÓA KHỚP

  1. Tuổi tác: 

    Thoái hóa khớp ít thấy ở người trẻ nhưng rất hay gặp ở người cao tuổi, đặc biệt ở lứa tuổi trên 75 thì 90% dân số có tổn thương thoái hóa khớp. Do vậy mà trong tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh này, một tiêu chí đưa ra là tuổi trên 40. Điều này được cho là khi tuổi cao, cơ thể giảm khả năng sửa chữa sụn khớp bị hư hỏng sau một thời gian dài sử dụng trong cuộc đời.

    Ngoài ra, sự thay đổi lối sinh hoạt hay vóc dáng cơ thể không còn cân đối như hồi còn trẻ khiến cho sức cơ giảm sút, gây giảm khả năng bảo vệ khớp cũng như tăng gánh nặng lên khớp khiến khớp hư hỏng nhanh hơn.

  2. Giới tính: Trước 55 tuổi thì tỉ lệ thoái hóa khớp giữa nam và nữ là như nhau, nhưng sau tuổi này đặc biệt sau tuổi mãn kinh thì nữ có xu hướng bị thoái hóa khớp gấp 2 lần nam giới. Do sau tuổi này, nồng độ hormone sinh dục nữ là estrogen suy giảm gây tăng các triệu chứng của thoái hóa khớp.
  3. Béo phì: 

    Các nghiên cứu cho thấy, những người thừa cân hoặc béo phì có khả năng bị thoái hóa khớp gấp 3 lần người có cân nặng bình thường. Bởi vì, khi cơ thể thừa cân, các khớp phải gánh số cân nặng ấy liên tục, đặc biệt là khớp gối, khớp háng. Nếu bạn nặng thêm 1kg thì khớp gối của bạn phải mang chịu sức nặng thêm 3kg.

    Ngoài ra, các yếu tổ rối loạn chuyển hóa liên quan đến thừa cân hay béo phì cũng thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra nhanh hơn.

  4. Yếu tố gen: Thoái hóa khớp không phải là bệnh di truyền, nhưng nếu gia đình bạn có bố mẹ, anh chị em ruột bị bệnh thì khả năng bạn bị bệnh này sẽ cao hơn người không có tiền sử gia đình mắc bệnh, đặc biệt là thoái hóa khớp bàn tay và khớp háng
  5. Chế độ dinh dưỡng: 

    Khi sụn khớp bị tổn thương trong thoái hóa khớp, cơ thể sẽ sản sinh ra các gốc tự do. Các vitamin C, D, E được coi là có khả năng trung hòa các gốc tự do này, giúp ngăn ngừa sự tiến triển của thoái hóa khớp.

    Ngoài ra, vitamin D còn có vai trò trong chuyển hóa xương, tăng chuyển hóa vùng đầu xương cạnh khớp giúp hấp thu lực tác động lên khớp. Vitamin D cũng giúp cải tạo sụn khớp và cơ cạnh khớp, từ đó ổn định cấu trúc khớp. Do vậy, người có chế độ dinh dưỡng thiếu các vitamin C, D, E có nguy cơ bị thoái hóa khớp cao hơn những người có đủ các vitamin này trong cơ thể.

  6. Chấn thương: Nếu bạn không may bị chấn thương một khớp nào đó, khả năng bạn sẽ bị thoái hóa khớp đó nhiều về sau này. Một số nghề nghiệp đặc biệt như cầu thủ đá bóng, cầu thủ bóng bầu dục là những người dễ bị chấn thương khớp thì nguy cơ thoái hóa các khớp chấn thương sẽ cao hơn, cho dù đã được phẫu thuật để sữa chữa tổn thương.
  7. Nghề nghiệp: 

    Một số nghề nghiệp, công việc hay thói quen sử dụng liên tục một vài khớp nào đó lâu dài khiến cho các khớp này bị quá tải hay vi chấn thương dẫn đến nguy cơ thoái hóa cao hơn. Ví dụ, những người thường xuyên ngồi xếp bằng hay quỳ gối để tụng kinh có khả năng cao bị thoái hóa khớp gối.

    Những nghề nghiệp cần đứng lâu như giáo viên hay những người thường xuyên nâng vật nặng có nguy cơ thoái hóa khớp háng cao. Hay thói quen dùng đũa ăn cơm của người châu Á cũng khiến các khớp liên quan đến động tác cầm đũa thoái hóa sớm hơn và nặng hơn các khớp khác trên bàn tay.

  8. Yếu cơ và dây chằng cạnh khớp: Cơ và dây chằng quanh khớp khỏe sẽ giúp giảm áp lực tác động lên khớp. Nếu bạn ít luyện tập, vận động hay vì các lí do bệnh lý khiến các cơ, dây chằng quanh khớp yếu đi thì khả năng thoái hóa khớp đó cao lên. Do vậy, một trong các biện pháp hỗ trợ điều trị thoái hóa khớp là luyện tập nhằm tăng sức bền cho cơ quanh khớp.
  9. Hình dáng bất thường của khớp và xương: 

    Những người có hình dạng khớp hay cấu trúc khớp bất thường có thể tăng nguy cơ thoái hóa khớp đó do việc phân bố áp lực lên các phần khác nhau của khớp không được đồng đều. Ví dụ, các trẻ sơ sinh bị loạn sản khớp háng, khiến cho khớp háng không vững, dễ bị trật nếu không phát hiện và điều trị thì nguy cơ thoái hóa khớp háng sau này sẽ cao hơn.

    Hay những người chân không thẳng (dạng chữ O hay chữ X) có khả năng thoái hóa khớp gối cao do áp lực cơ thể phân bổ không đều lên bề mặt khớp khiến phần chịu nhiều áp lực nhanh bị hư hỏng hơn phần khác.

CÁCH PHÒNG NGỪA

Để phòng ngừa thoái hóa khớp, trước tiên bạn cần điều chỉnh các yếu tố có thể thay đổi được bằng cách thay đổi lối sống, thói quen, công việc để duy trì trọng lượng cơ thể hợp lý, dinh dưỡng đầy đủ vitamin, tăng sức bền hệ thống cơ, dây chằng, phòng tránh chấn thương và sửa chữa các bất thường xương khớp nếu có thể.

 

Hiện nay, Bệnh viện đa khoa Hòa Bình cung cấp các cận lâm sàng giúp chẩn đoán, sàng lọc bệnh lý cho những khách hàng có dấu hiệu Thoái hóa khớp. Đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm trong việc chẩn đoán và điều trị các bệnh xương khớp luôn sẵn sàng phục vụ.

 

Nguồn: Tổng hợp.

Tags : > bệnh viện bình định bệnh viện hòa bình BỆNH VIỆN Ở QUY NHƠN BÌNH ĐỊNH khớp thoái hóa thoái hóa khớp xương khớp đau khớp
VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: